Bệnh viêm dạ dày là một trong những bệnh lý liên quan tới dạ dày phổ biến hiện nay. Biết được nguyên nhân và triệu chứng gây bệnh sẽ giúp bạn có cho mình cách điều trị thực sự hiệu quả và kịp thời.
Bệnh viêm dạ dày là gì?
Viêm dạ dày là bệnh lý khi lớp niêm mạc dạ dày bị viêm, hoặc sưng lên.
Lớp lót dạ dày sản xuất ra axit dạ dày, men tiêu hoá pepsin và lớp màng nhầy mucin. Trong đó, axit dạ dày có tác dụng cắt nhỏ phá vỡ cấu trúc thức ăn, men tiêu hoá pepsin giúp tiêu hoá protein và lớp màng nhầy mucin giúp bao phủ bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Khi lớp lót dạ dày bị viêm, nó tạo ra ít axit ít pepsin hơn, đồng thời cũng tạo ra ít lớp màng nhầy bảo vệ dạ dày khiến niêm mạc dạ dày dễ bị tấn công bởi các tác nhân bên ngoài như vi khuẩn, đồ uống có cồn, đồ ăn cay nóng…
Có mấy loại viêm dạ dày?
Viêm dạ dày có thể là cấp tính hoặc mãn tính:
- Viêm dạ dày cấp tính: bắt đầu đột ngột và kéo dài trong một thời gian ngắn.
- Viêm dạ dày mãn tính: viêm dạ dày diễn ra trong thời gian dài, kéo dài nhiều năm hoặc thậm chí cả đời. Viêm dạ dày cấp tính không được điều trị dứt điểm sẽ tái phát chuyển thành dạng mạn tính.
Viêm dạ dày có thể ăn mòn hoặc không ăn mòn
- Viêm dạ dày thể ăn mòn: lớp lót dạ dày bị ăn mòn đi , hay còn gọi là hiện tượng xói mòn – tạo những vết trợt, loét nông hoặc sâu trong lớp lót dạ dày
- Viêm dạ dày không ăn mòn: dạ dày bị viêm nhưng không gây trợt loét, xói mòn ở lớp lót dạ dày.
Nguyên nhân gây viêm dạ dày là gì?
Các nguyên nhân thường gặp của viêm dạ dày bao gồm:
- Nhiễm Helicobacter pylori ( H. pylori )
- Tổn thương lớp lót dạ dày, dẫn đến viêm dạ dày phản ứng
- Viêm dạ dày dạng tự miễn – một phản ứng miễn dịch
Nhiễm H. pylori
- Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm dạ dày
- Thường gây viêm dạ dày không xói mòn
- Có thể gây viêm dạ dày cấp tính hoặc mãn tính
Nhiễm H. pylori rất phổ biến, đặc biệt ở các nước đang phát triển, và tình trạng nhiễm Hp thường bắt đầu ở tuổi thơ ấu. Nhiều người bị nhiễm H. pylori không có bất kỳ triệu chứng nào đặc trưng.
Vi khuẩn H.pylori có thể truyền qua thực phẩm bị ô nhiễm, nước hoặc dụng cụ ăn uống. Một số người bị nhiễm H. pylori trong nước bọt của họ, vậy nên vi khuẩn này cũng có thể lây lan qua tiếp xúc với nước bọt hoặc các chất dịch cơ thể khác.
Tổn thương lớp lót dạ dày, dẫn đến viêm dạ dày phản ứng.
Viêm dạ dày phản ứng
- Có thể là cấp tính hoặc mãn tính
- Có thể gây xói mòn
- Có thể gây ít hoặc không viêm
Các tác nhân gây tổn thương lớp lót dạ dày, dẫn đến viêm dạ dày phản ứng:
- Sử dụng Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): ví dụ Aspirin và Ibuprofen.
- Uống rượu.
- Sử dụng cocain.
- Tiếp xúc với bức xạ hoặc có phương pháp điều trị chiếu xạ.
- Trào ngược mật từ ruột non vào dạ dày.
- Phản ứng với các stress gây ra do chấn thương, bệnh nặng, bỏng nặng và phẫu thuật lớn. Loại viêm dạ dày phản ứng này được gọi là viêm dạ dày stress.
Viêm dạ dày do đáp ứng tự miễn
Hệ thống miễn dịch thường bảo vệ con người khỏi bị nhiễm trùng bằng cách xác định và tiêu diệt vi khuẩn, vi rút và các chất lạ có khả năng gây hại khác. Trong viêm dạ dày tự miễn, hệ thống miễn dịch nhận diện và tấn công nhầm cả các tế bào bình thường khoẻ mạnh của lớp lót dạ dày.
Bệnh viêm dạ dày tự miễn và mạn tính và thuộc thể không xói mòn.
Các nguyên nhân khác
- Bệnh Crohn, gây viêm và kích thích bất kỳ phần nào của đường tiêu hoá (GI).
- Sarcoidosis, một căn bệnh gây viêm mạn tính. Viêm mãn tính gây ra các khối u nhỏ của mô bất thường hình thành trong các cơ quan khác nhau trong cơ thể. Bệnh thường bắt đầu ở phổi, da, và các hạch bạch huyết.
- Dị ứng thức ăn, như sữa bò và đậu nành, đặc biệt là ở trẻ em.
- Nhiễm trùng với virut, ký sinh trùng, nấm và vi khuẩn khác với H. pylori , điển hình ở những người có hệ miễn dịch suy yếu.