Vi khuẩn Hp có nhiều trong nước bọt, trong mảng cao răng, trong niêm mạc dạ dày của người bệnh nên rất dễ lây từ người bệnh sang người lành thông qua đường tiêu hóa. Đặc biệt do thói quen ăn uống của người Việt Nam như ăn chung một bát nước chấm, dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác để bày tỏ sự hiếu khách, dùng chung một chén rượu mà tỷ lệ nhiễm vi khuẩn Hp ở Việt Nam khá cao ( hơn 80% dân số).
Lây qua đường Miệng – Miệng: Vi khuẩn Hp được tìm thấy trong nước bọt, cao răng, khoang miệng của người bệnh, do đó chúng có thể lây từ người này qua người khác khi dùng chung đồ vệ sinh cá nhân, răng miệng, dùng chung bát đũa, muỗng, hôn trực tiếp, mẹ nhai mớm cơm cho con. Trẻ bị nhiễm vi khuẩn Hp có thể lây cho nhau.
Lây qua đường Phân – Miệng: vi khuẩn Hp có trong phân của người bệnh nên có thể lây nhiễm khi vệ sinh tay không sạch sẽ khi đi tiêu và trước khi ăn, hoặc có thể nhiễm qua trung gian, côn trùng như ruồi, gián, chuột.. nếu không đậy kỹ thức ăn.
Dạ dày – Miệng : Nếu người có vi khuẩn Hp trong dạ dày thì khi bị trào ngược hoặc ợ chua có thể đẩy vi khuẩn lên trên miệng cùng với dịch dạ dày.
Dạ dày – Dạ dày : Đây là đường lây nhiễm này rất quan trọng bởi nó lây nhiễm trong quá trình người bệnh làm nội soi tại các cơ sở y tế. Khi nội soi dạ dày các bệnh nhân có vi khuẩn Hp, nếu vệ sinh đầu dò không đủ sạch, vi khuẩn Hp có thể nhiễm sang người không mang Hp.
Như vậy, khi bị nhiễm khuẩn Hp cần phát hiện sớm và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời cần bảo vệ để tránh làm lây lan sang người khác là những điều bạn cần chú ý thực hiện tốt.